A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DẠY TRẺ LÒNG BIẾT ƠN

“Lòng bạc bẽo như cỏ dại, lòng biết ơn như hoa hồng”. Ngày còn nhỏ, bà ngoại vẫn thường mượn câu nói đầy hình ảnh đó để dạy tôi làm người. Bà nói: “Con hãy như hoa hồng tỏa hương thơm ngát, tri ân với cuộc đời, với những gì mọi người làm cho ta”.

Truyền thống đẹp của người Việt

Tôi lớn lên từng năm tháng đem theo câu nói ấy của bà, mỗi bước thăng trầm của cuộc sống, tôi lại hiểu thêm về ý nghĩa không chỉ nằm trong câu nói đó. Và càng ngẫm những điều bà nói, tôi càng thấm thía sâu sắc giá trị nhân văn của “lòng biết ơn”.

Từ thủa hồng hoang đến thời kỳ dựng nước, giữ nước và phát triển, người Việt Nam luôn có những câu chuyện lịch sử, những giai thoại về lòng biết ơn. Cha ông, tổ tiên ta luôn dạy con cháu, những thế hệ nối tiếp mình biết ơn những thành quả, những giá trị mà người đi trước để lại. Là con Lạc, cháu Rồng, không thể không nhớ đến cội nguồn mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân, đã khai phá mở mang bờ cõi. Biết ơn những người anh hùng áo vải, những chiến sĩ anh dũng hi sinh vì độc lập tự do của đất nước, lớp lớp con cháu đề cao tinh thần yêu nước, bảo vệ non sông…

“Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là những đạo lý của người Việt ta để biểu lộ lòng biết ơn sâu sắc. Những con người có công với đất nước, dân tộc được khắc ghi trong lòng người qua lịch sử, thơ văn, truyền khẩu thành những bài học về lòng quả cảm, sáng tạo, chính nghĩa… Những người có công khai phá, dạy đồng bào biết ươm tơ, dệt lụa, biết trồng lúa, trồng khoai, biết đúc đồng, làm cày làm cuốc, biết thuần hóa cây cỏ, thiên nhiên có ích cho mình được người đời ghi công, thờ làm thánh, làm sư tổ…

Dân tộc ta có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong mỗi một câu chuyện làm nên lịch sử, lòng biết ơn luôn là truyền thống đẹp tạo nên một dân tộc Việt Nam giàu lòng nhân ái. Từ các vị anh hùng đến những người dân bình thường nhất, từ ông cha ta đến những đứa trẻ, những người đến từ năm châu, bốn bể… những ai có đóng góp cho đất nước và dân tộc này đều được chúng ta trân trọng, biết ơn, lưu truyền sử sách. Người Việt không chỉ biết tri ân tổ tiên, quê hương, đất nước, cha mẹ, thầy cô… mà còn biết tri ân cả những người bạn song hành với chúng ta trong những chặng đường lịch sử như: chàng thanh niên Norman Morrison đã tự thiêu trước Lầu Năm góc để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; thầy tu Alexandre de Rhodes, người góp phần chuyển tải chữ cái Latin thành "quốc ngữ"; thầy thuốc người PhápAlexandre Yersin, người gắn bó và cống hiến cuộc đời mình cho người dân và nền y học Việt Nam, v.v và v.v…

Biết ơn bằng hành động

Lòng biết ơn có bề dày của truyền thống lịch sử và bề dày văn hóa của xã hội loài người. Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành nhờ vào cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục; thầy cô có công dạy dỗ nên người; anh em, bạn bè chia sẻ vui buồn, thành công, gian khổ; vợ chồng nghĩa nặng tình sâu…

“Cây có cội, nước có nguồn” – con người không bỗng dưng lớn lên, giỏi giang, thành đạt mà thiếu sự chăm lo, nuôi dạy, sự giáo dục luyện rèn. Một con người không thể gọi là thủy chung, nhân ái… nếu không có lòng biết ơn. Lòng biết ơn đã biến con người, trong muôn loài có nhiều tình thương yêu, hiểu biết hơn các loài khác. Ý nghĩa của lòng biết ơn không chỉ đọng lại trong những câu ngạn ngữ hay ca dao để nói đến đạo lý này mà ông cha ta còn thể hiện bằng hành động. “Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện đầy đủ ý nghĩa của việc thể hiện lòng biết ơn bằng hành động. Trải qua bao triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần,… tổ tiên ta, dân tộc ta đã đổ bao xương máu để dựng nước và giữ nước. Đọc những trang sử oai hùng chúng ta biết ơn bao sự hy sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, của bao chiến sĩ để được may mắn sống trong phồn thịnh của thái bình. Biết ơn - đó là sự hướng thiện để mỗi người tự răn mình biết cảm ơn những thành quả mình được hưởng thụ. Cũng từ đó, để soi mình, để làm những việc có ích cho đời sau.

Mỗi người trong chúng ta, từ thuở lọt lòng đã được nghe lời ru: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Biết ơn cha mẹ sinh thành bằng sự ân cần, hiếu thảo, phụng dưỡng; biết ơn Tổ quốc, xã hội để tận lực xây dựng quê hương; ơn thầy cô, bạn bè, vợ chồng, con cái, thiên nhiên, cuộc sống,… để xứng đáng với tên gọi “con người”. Ngay cả những lúc đối mặt với hiểm nguy, gian khó bạn phải cám ơn khó khăn đã giúp bạn trưởng thành. Khi gặp một bất hạnh hay tai họa, bạn cũng hãy cám ơn đời vì cho ta cơ hội còn được sống.

Nhân lên giá trị “làm người”

Lòng biết ơn cũng phải được dạy dỗ và vun đắp. Con trẻ sẽ không thể có lòng biết ơn, nếu cha mẹ không dạy và không là tấm gương cho con về điều đó. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính thiện, chúng lớn lên thành người tốt hay xấu đều tùy thuộc vào sự nuôi dưỡng, dạy dỗ của gia đình, sự giáo dục của thầy cô và môi trường xã hội. Chúng ta không khỏi đau lòng khi còn có những đứa trẻ không được dạy dỗ lòng biết ơn đã trở thành những kẻ bạc bẽo, vô nhân tính chửi mắng cha mẹ, đâm chết người thân, đánh thầy, giết bạn… Dù đó là những hành vi của một bộ phận nhưng cũng là bài học cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta.

Được dạy dỗ lòng biết ơn là chúng ta đã biết hướng thiện, biết làm người. Biết ơn là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, trong cuộc sống, trong ứng xử hàng ngày chúng ta hãy chăm cho hoa hồng tỏa hương thơm ngát, để cỏ dại không thể lan nhanh mỗi ngày.

Để lòng biết ơn là phước quý của con người, mỗi đứa trẻ ngay từ thời thơ ấu đã được cha mẹ dạy dỗ biết cảm ơn, biết ghi nhận những gì người khác dành cho mình. Cảm ơn, ghi nhận để rồi bản thân mình biết làm việc thiện, biết yêu thương, chia sẻ. Lòng biết ơn không chỉ biết nhận, biết cho, không đơn thuần là vay, là trả mà nó chính là biết nhân lên những giá trị quý báu của con người. Ở mỗi một nền văn hóa khác nhau, dù là thời xưa, thời nay, phương Đông hay phương Tây, giá trị của lòng biết ơn luôn có chung một mẫu số. Lòng biết ơn là nền tảng của lòng nhân ái, vị tha, thủy chung – là cái thiện đẩy lùi cái ác, cái xấu của phần “con”, tỏa sáng phần “người”.

Người Việt không chỉ biết tri ân mà còn biết nhìn xa trông rộng, biết ghi nhận và cảm ơn những điều trong tương lai sẽ đem lại sự phồn vinh cho đất nước. Điều đó được Bác Hồ kính yêu vận dụng rất tài tình: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần rất lớn ở công học tập của các cháu".


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết